Trang chủ         Khoa học & Công nghệ mỏ         Tin tức - Sự kiện         Giá cả thị trường khoáng sản         Các công trình nghiên cứu [ ENGLISH ]
Hội KHCN Mỏ Việt Nam
Hội nghị KHCN Mỏ VN
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Công nghiệp Bauxite - Alimin Việt Nam
Diễn đàn, trao đổi
International Cooperation
Phản hồi

LIÊN KẾT WEBSITE
images/adv/adv_8.jpg
images/adv/adv_1.jpg
images/adv/adv_2.gif

THƯ VIỆN ẢNH

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Người online: 58

Số lượt truy cập: 25,716,843

ĐIềU Lệ HộI KHOA HọC Và CôNG NGHệ Mỏ VIệT NAM

Ngày 28/12/2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số143/2005/QĐ-BNV phê chuẩn việc ban hành Điều lệ Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------

ĐIỀU LỆ

HỘI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ MỎ VIỆT NAM

Ban hành theo Quyết định số 143 /2005/QĐ-BNV, ngày 28 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Điều 1. Tên gọi

Tên gọi của hội là: Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam

Tên gọi tắt là: Hội Mỏ Việt Nam

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam (sau đây gọi là Hội) là tổ chức tự nguyện của những công dân Việt Nam làm công tác khoa học - công nghệ mỏ, là thành viên tự nguyện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ Hội và pháp luật nhà nước.

Mục đích của Hội là tập hợp những người làm công tác khoa học - công nghệ Mỏ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nhằm đoàn kết giúp đỡ nhau phát huy tài năng và trí tuệ, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và đời sống, xây dựng một nền khoa học - công nghệ Mỏ phát triển để phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành Mỏ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Điều 3. Phạm vi hoạt động

Hội Mỏ Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước và đặt trụ sở tại Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố theo quy định của pháp luật. Hội có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu và tài sản riêng.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Nhiệm vụ

1. Vận động hội viên nghiên cứu, thực hiện các chủ trương và chính sách về công tác khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia giám sát độc lập đối với các đề án, công trình quan trọng khi được yêu cầu nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành Mỏ; về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường của ngành Mỏ Việt Nam.

3. Phổ biến kiến thức về khoa học - công nghệ mỏ cho hội viên và cho nhân dân, đặc biệt là cho lớp trẻ khi được yêu cầu để họ yêu nghề mỏ; góp phần bồi dưỡng nhân tài và lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành mỏ; tham gia tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và công nghệ mỏ.

4. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích khả năng sáng tạo cho hội viên trong hoạt động khoa học công nghệ, giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển ngành mỏ Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 5. Quyền hạn

1. Mở rộng và hợp tác chặt chẽ với các hội và các ngành khoa học - kỹ thuật khác để phục vụ cho việc phát triển khoa học – công nghệ mỏ.

2. Quan hệ và hợp tác với các hội khoa học - kỹ thuật, các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các lĩnh vực khoa học - công nghệ mỏ và giúp đỡ các cơ sở sản xuất kinh doanh đặt mối quan hệ hợp tác với nước ngoài.

3. Đề xuất ý kiến với các tổ chức chính quyền về giải thưởng, bằng sáng chế phát minh, bằng khen đối với các thành tựu khoa học – công nghệ mỏ khi được yêu cầu.

4. Tổ chức hoạt động khoa học – công nghệ bằng nhiều hình thức: nghiên cứu, thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân v.v…để góp phần đưa kỹ thuật mới vào ngành mỏ.

5. Tổ chức dịch vụ khoa học theo quy định của pháp luật về các mặt nghiên cứu, thiết kế, đào tạo, thực nghiệm, sản xuất thử, chuyển giao công nghệ v.v... kể cả trong và ngoài nước theo qui định của pháp luật, để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội.

6. Phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành khác để kiến nghị những vấn đề có liên quan đến ngành mỏ theo qui định của pháp luật.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên và tiêu chuẩn hội viên

1. Công dân Việt Nam hoạt động trong ngành Mỏ hoặc có liên quan đến ngành Mỏ phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội, có điều kiện tham gia thường xuyên vào hoạt động của Hội, tôn trọng Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn gia nhập Hội đều có thể được xem xét kết nạp là hội viên của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước có hiểu biết về Mỏ, có nhiệt tình đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành Mỏ nước nhà, nhưng không đủ điều kiện để trở thành hội viên chính thức, được xem xét công nhận là hội viên liên kết. Hội viên liên kết được hưởng quyền và nghĩa vụ như các hội viên khác của Hội nhưng không có quyền ứng cử, bầu cử vào Ban chấp hành và các chức danh lãnh đạo, không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

Thể thức kết nạp và khai trừ hội viên do Ban Chấp hành Trung ương Hội qui định.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên

1. Hội viên có nhiệm vụ:

a) Tôn trọng Điều lệ Hội, thi hành nghiêm chỉnh các chủ trương, nghị quyết của Hội và sinh hoạt tại một Chi hội cơ sở.

b) Tham gia các sinh hoạt của Hội và tích cực hoạt động cho công tác của Hội.

c) Tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng và uy tín của Hội, vận động quần chúng hưởng ứng hoạt động của Hội.

d) Đóng hội phí đầy đủ.

2. Hội viên có quyền:

a) Tham gia sinh hoạt, thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ; có quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.

b) Được Hội giúp đỡ, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật; được tạo điều kiện để thực hiện những công trình nghiên cứu hay sáng kiến cải tiến; được Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp về chính trị, vật chất và chế độ đối với cán bộ khoa học kỹ thuật; được hưởng những quyền lợi khác do Hội quy định.

c) Được Hội giúp đỡ đặt quan hệ với các tổ chức khoa học – công nghệ Mỏ ở các nước để trao đổi thông tin phục vụ công tác khoa học kỹ thuật và đào tạo hoặc tham dự hội nghị khoa học quốc tế về mỏ theo qui định của pháp luật.

d) Được xin ra khỏi Hội hoặc tham gia các hội khác.

Chương IV

TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 8. Nguyên tắc tổ chức

Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; đoàn kết, dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội do bầu cử lập ra; các cấp của Hội được quyết định các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình nhưng không được trái với Điều lệ Hội, nghị quyết của Đại hội và pháp luật của nhà nước.

Điều 9. Tổ chức của Hội

1. Đại hội đại biểu toàn quốc.

2. Ban chấp hành Trung ương Hội.

3. Văn phòng Hội.

4. Ban Kiểm tra.

5. Phân hội chuyên ngành.

6. Chi hội theo địa bàn và các đơn vị công tác.

7. Các cơ quan hoạt động khoa học công nghệ thuộc Hội.

8. Tạp chí Công nghiệp mỏ.

Điều 10. Đại hội toàn quốc

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc với nhiệm kỳ 5 năm. Ban chấp hành Trung ương Hội có thể quyết định triệu tập Đại hội sớm hơn khi có trên 2/3 số Uỷ viên Ban chấp hành hoặc trên 1/2 số tổ chức cơ sở yêu cầu. Thành phần và số lượng đại biểu (nếu là đại hội đại biểu) do tổ chức cơ sở bầu theo tỷ lệ hội viên do Ban Chấp hành Trung ương Hội qui định. Số lượng đại biểu mời không quá 10% số lượng đại biểu triệu tập.

Đại hội có nhiệm vụ:

1. Thảo luận và thông qua báo cáo nhiệm kỳ công tác của Hội. Quyết định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch công tác của Hội nhiệm kỳ mới.

2. Quyết định số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ mới.

3. Thông qua quyết toán thu chi của Hội.

4. Thảo luận và thông qua nghị quyết về sửa đổi Điều lệ Hội (nếu có).

Điều 11. Nguyên tắc biểu quyết của Đại hội

1. Đại hội thông qua những vấn đề quan trọng của Hội bằng cách bỏ phiếu kín hoặc giơ tay. Việc lựa chọn hình thức biểu quyết nào do Đại hội quyết định.

2. Các quyết nghị của Đại hội phải được quá 50% số đại biểu chính thức có mặt biểu quyết thông qua.

Điều 12. Ban chấp hành Trung ương Hội

Ban chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội giữa hai kỳ Đại hội; Ban Chấp hành định kỳ mỗi năm họp một lần; trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị bất thường do Chủ tịch Hội triệu tập khi có quá 1/2 số thành viên Ban Chấp hành Trung ương Hội yêu cầu.

Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội.

2. Lãnh đạo công tác của Hội trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội.

3. Bầu Ban thường vụ Hội gồm Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Uỷ viên thường vụ. Số lượng Uỷ viên Thường vụ do Ban chấp hành Trung ương Hội quyết định.

4. Khi cần thiết Ban Chấp hành Trung ương Hội có quyền bầu bổ sung một số Uỷ viên Ban Chấp hành mới nhưng số lượng không được quá 1/3 số Uỷ viên do Đại hội bầu ra.

5. Khi một Uỷ viên Ban Chấp hành với tư cách đại diện cho đơn vị cơ sở rời khỏi đơn vị, không tiếp tục thực hiện các công việc chuyên trách hoặc bán chuyên trách của Hội, thì có quyền đề cử với Ban Chấp hành Trung ương Hội một cán bộ khác thay thế mình vào cuộc họp gần nhất. Số lượng bổ sung các uỷ viên này nằm ngoài số lượng 1/3 bổ sung nói trên.

6. Bầu Ban Kiểm tra của Trung ương Hội. Trưởng ban kiểm tra là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội .

Điều 13. Ban Thường vụ

Ban Thường vụ là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Trung ương Hội, có trách nhiệm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành Trung ương. Ban Thường vụ họp 3 tháng một lần; khi cần thiết hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội, Ban Thường vụ có thể họp bất thường.

Ban Thường vụ có nhiệm vụ:

1. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Hội theo nghị quyết của Đại hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội và phải báo cáo tình hình hoạt động giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành.

2. Quyết định thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ các Ban chuyên môn và các tổ chức trực thuộc Hội theo qui định của pháp luật; quyết định kết nạp và khai trừ hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và đúng pháp luật.

3. Tuỳ theo yêu cầu công tác, Ban Thường vụ có thể thành lập các Ban giúp việc khác.

Điều 14. Ban Kiểm tra

Ban Kiểm tra hoạt động độc lập về nghiệp vụ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm tra được qui định như sau:

1. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, các Nghị quyết và quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Hội, của Ban Thường vụ Hội.

2. Xem xét và giải quyết các đơn thư, khiếu tố có liên quan đến hội viên và tổ chức Hội theo qui định của pháp luật.

3. Có quyền yêu cầu hội viên và các tổ chức, đơn vị của Hội báo cáo những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra đã được Ban Thường vụ Trung ương Hội đồng ý theo qui định của pháp luật.

4. Ban Kiểm tra có chương trình hoạt động riêng hoặc hoạt động theo đề nghị của Chủ tịch Hội và quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Hội .

Điều 15. Chủ tịch Hội

Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu ra; Chủ tịch Hội có nhiệm vụ:

1. Chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các cuộc họp thường niên của Hội.

2. Điều hành các hoạt động và quyết định các công việc của Hội theo nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội.

3. Đại diện Hội trong các mối quan hệ đối nội và đối ngoại.

4. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và hội viên về các hoạt động của Hội.

5. Là chủ tài khoản thứ nhất của Hội.

6. Điều hành cuộc họp Ban Chấp hành nhiệm kỳ kế tiếp cho đến khi bầu được Chủ tịch mới.

Điều 16. Phó Chủ tịch

1. Các Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu, trong đó có một Phó Chủ tịch thường trực. Phó Chủ tịch được Chủ tịch phân công lãnh đạo một số mặt công tác của Hội, có trách nhiệm và quyền hạn trong phạm vi được phân công và theo qui định tại Qui chế hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội.

2. Khi Chủ tịch Hội đi vắng, Phó Chủ tịch thường trực thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch.

Điều 17. Tổng Thư ký

Tổng Thư ký do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu, có nhiệm vụ:

1. Thường trực giải quyết các công việc của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội và giúp Chủ tịch triển khai các hoạt động hàng ngày của cơ quan Trung ương Hội; trực tiếp chỉ đạo Văn phòng và các cơ quan nghiệp vụ khác của Hội (nếu có).

2. Thực hiện chức năng giao tiếp đối nội và đối ngoại của Hội.

3. Tổ chức thư ký và tổng hợp tài liệu các kỳ đại hội, các hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và hội nghị thường niên của hội.

4. Tổng Thư ký là chủ tài khoản thứ hai của Hội, chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Hội theo sự phân công của Chủ tịch.

5. Giúp việc Tổng Thư ký có Văn phòng và một số cán bộ do Tổng Thư ký đề nghị, Chủ tịch Hội xét quyết định.

6. Tổng Thư ký có thể kiêm Chánh Văn phòng.

Điều 18. Chi hội

1. Chi hội Khoa học và Công nghệ Mỏ là tổ chức cơ sở của Hội có từ 5 hội viên trỏ lên và trực thuộc Trung ương Hội. Chi hội được thành lập ở các cơ sở sản xuất, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các công ty...

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Chi hội là Đại hội toàn thể hội viên với nhiệm kỳ hai năm rưỡi (2,5 năm). Trường hợp đặc biệt Ban Chấp hành Chi hội có thể triệu tập Đại hội bất thường khi có 2/3 Uỷ viên Ban Chấp hành hoặc trên 1/2 số hội viên yêu cầu.

3. Ngoài nhiệm vụ chung ghi ở Điều 4, Chi hội cũng có nhiệm vụ tư vấn phản biện khi được yêu cầu và trực tiếp đề xuất tham gia cùng với cơ quan quản lý đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh ở cơ sở.

4. Đại hội của Chi hội có nhiệm vụ:

a) Thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Chi hội.

b) Thông qua quyết toán thu chi của nhiệm kỳ công tác.

c) Quyết định nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch công tác của Chi hội.

d) Quyết định số lượng và bầu Ban Chấp hành Chi hội.

e) Cử đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.

Điều 19. Ban chấp hành Chi hội

Ban Chấp hành Chi hội có chức năng, nhiệm vụ:

1. Thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Chi hội và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, lãnh đạo mọi mặt công tác của Chi hội giữa hai nhiệm kỳ Đại hội.

2. Tổ chức hội nghị, hội thảo, báo cáo chuyên đề khoa học thuộc ngành mỏ hoặc liên quan đến ngành mỏ.

3. Tổ chức thu thập ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu tình hình sản xuất và khoa học kỹ thuật để đóng góp những ý kiến về phát triển ngành mỏ với cấp trên.

4. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để thực hiện các hoạt động của Hội.

5. Quản lý hoạt động của hội viên, kết nạp hội viên mới, đề xuất và quyết định khen thưởng những hội viên có thành tích.

6. Sáu tháng một lần báo cáo lên cấp trên về hoạt động của Chi hội và hội viên của mình (trừ trường hợp ngoại lệ phải báo cáo đột xuất).

7. Đóng hội phí đầy đủ và các khoản phải nộp khác về Trung ương Hội theo quy định.

8. Ban chấp hành Chi hội cử ra Ban Thường trực để giải quyết công việc gồm: Chi hội trưởng, một hoặc một số Chi hội phó và Thư ký Chi hội.

Điều 20. Phân hội

Hội có thể thành lập các Phân hội thuộc các chuyên ngành có từ 10 hội viên trở lên. Chức năng và nhiệm vụ của từng Phân hội chuyên ngành do Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định.

Chương V

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 21. Nguồn thu của Hội

1. Hội phí do cá nhân và tập thể các Chi hội đóng góp.

2. Thu nhập từ các hoạt động khoa học - công nghệ của Hội và của các Chi hội.

3. Tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ theo qui định của pháp luật.

4. Thu nhập từ các hoạt động hợp pháp khác.

Điều 22. Quản lý tài sản, tài chính

1. Tài sản và tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Hội và tuân thủ các chế độ quản lý hiện hành của Nhà nước.

2. Khi có một cấp Hội tuyên bố giải tán thì tài sản, tài chính phải nộp cho Ban Chấp hành Hội cấp trên trực tiếp.

3. Khi Hội bị giải thể thì tài sản, tài chính của Hội phải được kiểm kê và xử lý theo qui định của pháp luật.

Chương VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 23. Khen thưởng

Cán bộ, hội viên và các tổ chức của Hội có thành tích xuất sắc sẽ được Hội khen thưởng; được đề nghị Nhà nước và các cấp chính quyền xét khen thưởng. Hình thức khen thưởng do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.

Điều 24. Kỷ luật

1. Cán bộ, hội viên và các tổ chức Hội nếu vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hội thì sẽ bị thi hành kỷ luật. Hình thức kỷ luật do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.

2. Trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực của Điều lệ

1. Điều lệ này gồm 7 chương, 25 điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam nhất trí thông qua ngày 12 tháng 8 năm 2005.

Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội mới có quyền sửa đổi hoặc bổ sung Điều lệ.

2. Điều lệ này có hiệu lực thi hành theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ./.

                                                                      TM. BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI

                                                                     CHỦ TỊCH

                                                                        ĐOÀN VĂN KIỂN

[ Quay lại ]

 

TÌM KIẾM
Search by Google.com

TIN MỚI
Hội nghị KHKT Mỏ toàn quốc lần thứ 28
Quảng Trị đề xuất làm băng tải xuyên biên giới, đưa than từ Lào vào Việt Nam
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam (21/6/1925 - 21/6/2023)
Thông báo số 1 Hội nghị KHKT Mỏ toàn quốc năm 2023
Phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thư chúc mừng của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhân ngày KH&CN Việt Nam
Chúc mừng Tân Chủ tịch TKV
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội KH&CN Mỏ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027
Hội thảo KHKT Mỏ toàn quốc năm 2022

DỰ BÁO THỜI TIẾT
Find more about Weather in Hanoi, VS

Find more about Weather in Ho Chi Minh, VS
Xem thêm thông tin thời tiết ở các địa phương khác

QUẢNG CÁO
images/adv/adv_14.gif
images/adv/adv_15.jpg
images/adv/adv_16.jpg

Bản quyền thuộc Hội Khoa học & Công nghệ mỏ Việt Nam.
Địa chỉ : Số 655 Phạm Văn Đồng, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Điện thoại : 024 – 22463696/36649158 /36649159 * Fax: 024 – 36649159
Phụ trách: TS. Tạ Ngọc Hải
Quản trị trang web: PGS. TS. Kiều Kim Trúc.
Xem tốt nhất ở trình duyệt IE 5 trở lên, màn hình có độ phân giải 800x600 & Flash Player.
Thiết kế bởi BISolution.