Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippin (DENR) đang thực thi cải cách chính sách ngành khai khoáng, được coi là then chốt để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng với nhiều tỷ đô la.
Ngày 4 tháng 9 năm 2008, DENR ban hành Chỉ thị 2008-20 về cấp giấy phép xuất khẩu quặng, khoáng sản cho việc vận chuyển/xuất khẩu quặng khoáng sản, kể cả quặng đuôi, ra khỏi lãnh thổ Philippin. Chỉ thị này bắt đầu có hiệu lực từ 01 tháng Giêng năm nay.
Philippin đang cần tăng vốn từ việc xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dùng cho mục đích tìm kiếm thêm các mỏ mới và đầu tư cho các dự án kinh tế xã hội khác nhau của chính phủ.
Nếu cải cách này được các công ty khai khoáng thực hiện, xuất khẩu khoáng sản có thể tăng lên trong những năm tới, tạo ra đủ doanh thu khiến cho có thặng dư thương mại.
Hội đồng Phát triển Khoáng sản (MDC), Phòng Công nghiệp Mỏ (CMP), Diễn đàn Các nhà doanh nghiệp (PBLF) và các cơ quan hữu quan khác của nhà nước Philippine và các công ty tư nhân đều ủng hộ cải cách này.
Trong thực tế, MDC là một cơ quan Chính phủ được đặt dưới sự điều hành của Văn phòng Tổng thống, chịu trách nhiệm vạch ra chính sách về trách nhiệm và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, chính sách hài hoà và đồng bộ những yêu cầu và thủ tục để thục đẩy luồng đầu tư vào ngành công nghiệp khai khoáng.
Thành viên của MDC bao gồm cả các quan chức của DENR, Cố vấn Tổng thống về Phát triển đa phương (là Phó Chủ tịch của MDC), Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Cải cách ruộng đất và Bộ Nông nghiệp,Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động và Việc làm, Uỷ ban Thổ dân, Uỷ ban quốc gia Chống đói nghèo, Cơ quan Thông tin, CMP và các tổ chức khác.
MDC đã kiến nghị ông Lito Atienza, Bộ trưởng của DENR, hãy yêu cầu các công ty khai khoáng phải có giấy phép khi xuất khẩu quặng, kể cả quặng đuôi. MDC cho rằng đây là một cải cách chính sách lành mạnh, sẽ góp phần thu thêm thuế.
Giấy phép xuất khẩu quặng khoáng sản do DENR cấp cũng sẽ đảm bảo rằng quặng xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác hợp pháp. Điều này có nghĩa là: bất cứ lúc nào, một công ty xuất khẩu sản phẩm của mình cũng sẽ rót tiền trực tiếp vào tài khoản của Chính phủ.
Ông Philip G Romualdez, Chủ tịch của CMP, cho rằng giấy phép xuất khẩu quặng không chỉ sẽ ngăn chặn được xuất khẩu lậu và chiếm đoạt tài nguyên bất hợp pháp cũng như không nộp các khoản thuế cần thiết cho nhà nước, mà còn củng cố thêm những cố gắng bảo vệ môi trường của Chính phủ, nhất là trong các cộng đồng nơi có khai thác khoáng sản, và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.
Ông Josep P. Leviste Jr., Chủ tịch của PBLF và là Giám đốc quốc gia của Phòng Thương mại Australia-Philippin, hoan nghênh việc tái áp dụng giấy phép xuất khẩu này.
Thực tế, mọi người ý đều nhận thức rằng: họ sẽ thu được lợi nhuận từ xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, nhất là than, nếu Philippin thu hẹp được khoảng cách ngày càng lớn giữa người giầu và nghèo.
Thực vậy, các quan chức chính phủ và các giới lãnh đạo công nghiệp cần ngồi lại với nhau để bàn bạc phát triển ngành khai khoáng phục vụ lợi ích của một đất nước với 91 triệu dân, nhiều người trong số này đang không có công ăn việc làm.
Trần Minh Huân
Journal, 26/2/2009
The Daily Tribune, 26/2/2009 |