Một số nguồn tin cho biết; trong thời gian sắp tới Trung Quốc sẽ cắt giảm đáng kể quota xuất khẩu đất hiếm. Điều này sẽ gây khó khăn cho những nhà sản xuất ở nước ngoài chuyên sản xuất động cơ tuabin gió hoặc ô tô kết hợp chạy điện.
Sau những cuộc chiến gay gắt, kéo dài về giá cả và do sụt giảm quota xuất khẩu, hơn 95 % nguồn kim loại đất hiếm trên toàn cầu có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc - Kim loại đất hiếm là nhóm 17 các nguyên tố “lanthanide” được sử dụng trong hàng trăm công nghệ áp dụng cho nhiều ngành sản xuất, từ điện thoại di động cho đến kỹ thuật laze, ngành hàng không v...v.
Mặc dầu Trung Quốc có nguồn tài nguyên và các nhà máy tinh luyện có thể sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới về Lantan, Tecbi, Neoddim và Điprôsi, (mà các nhu cầu này tăng thêm 10 % mỗi năm), nhưng trong năm nay, Trung Quốc dự kiến chỉ cho xuất khẩu khoảng 38.000 tấn đất hiếm trên toàn cầu – Đây là con số nhỏ hơn số lượng đất hiếm cần cho nhu cầu của riêng Nhật Bản.
Ngoài ra, trong khi thế giới đang cố gắng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thì vị thế thống trị trong ngành đất hiếm của Trung Quốc sẽ trở thành vị trí chiến lược quan trọng. Nguyên nhân là do sự áp dụng rộng rãi các công nghệ thân thiện với môi trường như lò xúc tác, động cơ tuabin gió, bóng đèn tiêu hao năng lượng thấp, ô tô không chạy bằng xăng... đều là các công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm.
Ông Jack Lifton, một chuyên gia về đất hiếm nói: "Năm 1997 ông Đặng Tử Bình đã bình luận rằng: “Việc Trung Quốc là đất nước của đất hiếm giống như Trung Đông là xứ sở của dầu, đã trở thành một hiện thực hiển nhiên. Thế giới cần thức tỉnh và bắt đầu suy nghĩ về nhóm các nguyên tố đất hiếm như là các “kim loại của công nghệ” vì thiếu nó sẽ không thể có công nghệ”. Trung Quốc đã làm cho các kim loại này mang lại sự cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc mà tất cả các nước còn lại thế giới rất khó để có thể làm được như vậy”.
"Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong việc cung cấp đất hiếm và thiện chí của họ trong việc sử dụng các kim loại này có thể được coi như là “một vũ khí kinh tế của thế kỷ 21”. Một số nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản nói với tạp chí The Times là: việc hạn chế quota xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã là một cơn sóng thần vô hình, gây hoảng sợ cho ngành công nghiệp Nhật Bản, và các doanh nghiệp đã có yêu cầu Chính phủ Nhật Bản chiến đấu để có được “ góc của mình” tại Bắc Kinh. Nhật Bản nhập khẩu gần như 100 % đất hiếm từ Trung Quốc và coi nhóm các nguyên tố này như là chiến trường tất yếu có thể xảy ra các cuộc chiến tranh về thương mại trong tương lai.
Toyota và các hãng sản xuất ô tô lớn khác đang vội vã tìm nguồn cung ứng thay thế tại Việt Nam và Malaisia. Các mỏ tại Mỹ, trước đây đã bắt buộc phải dừng sản xuất do chiến tranh về giá cả, nay có thể sẽ được phục hồi trở lại. Nhiều nhà quan sát công nghiệp tin chắc rằng Trung Quốc sẽ toàn quyền sắp đặt việc cung ứng đất hiếm trên toàn cầu trước khi bất cứ nguồn đất hiếm nào khác trên thế giới trở nên sẵn sàng để có thể cung ứng ra thị trường.
Ông Yoichi Sato, trưởng bộ phận đất hiếm của Mitsui, nói: “Chiến lược giảm quota xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã đưa ra một trò chơi phức tạp mà người chơi là Bắc Kinh và các nhà tiêu dùng đất hiếm trên toàn cầu. Có thể thấy ẩn đằng sau ý tưởng hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có hai vấn đề. Một là: tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp cao của Trung Quốc cơ hội phát triển và nắm giữ lợi thế cạnh tranh cao trước các đối thủ tại cả Châu Á, châu Âu và Mỹ. Thứ hai là việc này có thể buộc các công ty nước ngoài phải chuyển các nhà máy và các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao đến Trung Quốc để giải quyết vấn đề quota. Động thái này sẽ bị các công ty Nhật Bản chống lại vì sợ mất các bí quyết công nghiệp.
Ông Sato cũng cho rằng Trung Quốc sẽ cố sử dụng vị thế độc quyền hiện nay của mình để nghiền nát bất cứ sự cạnh tranh nào có thể xuất hiện. Mặc dầu 42 % trữ lượng quặng đất hiếm trên thế giới nằm ngoài Trung Quốc, nhưng chỉ có vài nơi khác ngoài Trung Quốc có năng lực tinh chế đất hiếm đáng kể.
Ông Sato nói: "Đương nhiên, rất nhiều người đang tìm cách xây dựng các nhà máy tinh luyện và đầu tư vào các nguồn tài nguyên nằm ngoài Trung Quốc, nhưng việc đầu tư không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu vì sự đe dọa về giá cả vẫn đang nằm trong tay của Trung Quốc. Nếu có một dự án mới xuất hiện, như hiện đang xảy ra tại Việt Nam và Malaisia, Trung Quốc có thể hạ giá đất hiếm của mình và buộc các địch thủ của mình phải rời khỏi thương trường.”
Triển vọng của việc phát triển công nghiệp đất hiếm ngoài Trung Quốc vừa đạt được một kết quả do quyết định bất ngờ của các nhà đầu tư tại Tập đoàn Lynas, Australia, là dồn vốn vào một dự án xây dựng một nhà máy tinh luyện đất hiếm lớn tại Malaisia, để có thể đưa vào sản xuất cuối năm nay. Một nguồn tin của công ty cho biết dự án này sẽ tạo cho các công ty như Toyota và Honda cơ hội đón nhận nguồn cung cấp bất ngờ đang chuẩn bị mở ra theo kế hoạch.
Theo PDAC: một số kế hoạch mở những mỏ đất hiếm mới đang được triển khai tại Canađa, Australia và Greenland. Canađa hiện đang lập đề án cho 2 mỏ ở Hoidas Lake, Saskatchewan và Thor Lake, vùng lãnh thổ phía tây bắc nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang đề ra chiến lược tăng cường duy trì vai trò thống trị toàn cầu trong ngành đất hiếm trong một thời gian dài. Trong 15 ngày vừa qua, một công ty đầu tư Trung Quốc đã giành được 25 % cổ phần của Arafura Resources, một mỏ đất hiếm của Australia, và tháng trước, công ty Đất hiếm China Minmetals đã đặt kế hoạch đầu tư 300 triệu USD để củng cố vững chắc vị trí ưu thế của mình trong lĩnh vực đất hiếm.
Đoàn Hạnh- Theo Mining China ngày 11.3 và PDAC ngày 12.3.2009 |