Tin Reuters ngày 17.3.2009: công ty khai thác mỏ Territory Resources (Australia) cho biết: giá bán quặng sắt theo hợp đồng chuẩn (benchmark contract) sẽ giảm từ 30 đến 35 % so với mức giá hợp đồng chuẩn của năm 2008. Đây là dấu hiệu phản ánh sự suy giảm nhu cầu trong quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vì nhu cầu quặng sắt giảm, mỏ Territory đang giảm dần sản lượng khai thác quặng sắt tại mỏ Frances Creek (ở phía bắc Australia) xuống đến 2 triệu tấn/năm. Ông Alan Cummings Giám đốc tài chính của mỏ cho biết: tuần này Territory đang có cuộc họp với khách hàng chính đến từ Trung Quốc để hoàn thành các cam kết bán hàng dài hạn.
Giá được thảo luận sẽ là giá hợp đồng chuẩn áp dụng cho quặng cục và quặng cám Yandy, sản xuất từ các mỏ của BHP Billiton và Rio Tinto tại vùng quặng sắt Pilbara, phía tây Australia. “Chúng tôi chắc chắn là giá sẽ được quyết định lập ở mức thấp hơn 30-35 % so với mức giá đã thỏa thuận năm ngoái”, ông Alan nói.
BHP và Rio Tinto đã dừng các cuộc thương thảo bán quặng theo năm (bắt đầu tính từ 1.4) với các khách hàng Bắc Á.
Hiện nay các cuộc thương thảo đang được nối lại trong hoàn cảnh nhu cầu nguyên liệu thô giảm do ngành thép thế giới đã có suy giảm lớn, đạt mức thấp nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.
Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày hôm nay của CLSA Asia-Pacific Markets: giá quặng sắt trong năm 2009 sẽ giảm 30 % thay vì giảm 10 % như đã dự báo trước đây. Báo cáo này cho rằng: các nhà sản xuất quặng sắt sẽ không vội vã quyết định giá hợp đồng chuẩn cho quặng sắt vì họ đang còn nuôi hy vọng rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường do Chính phủ đang có biện pháp khuyến khích hỗ trợ để kéo tình hình phục hồi trở lại.
CLSA cho biết: “Do tồn kho tại các cảng tăng cao, giá bán quặng sắt giao ngay của Trung Quốc hiện đã giảm 21% xuống còn 67,50 USD/tấn, so với giá của tháng trước là 85 USD/tấn”.
“Chúng tôi tin chắc rằng trong thời hạn ngắn sắp tới giá quặng sắt giao ngay của Trung Quốc vẫn có chiều hướng giảm tiếp và các nhà sản xuất quặng sắt Australia sẽ tiếp tục trì hoãn việc đàm phán giá cho tới khi có nhu cầu tăng hiện hữu”, CLSA nhận định.
|