KS Trương Đức Chính, TKV
Theo yêu cầu của Hội KHCN Mỏ Việt Nam, chúng tôi xin tham gia ý kiến đóng góp vào bản dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) (Dự thảo lần 2 ngày 28/9/2009) như sau:
I. Các vấn đề chung:
1. Nhận xét chung
:
- Bản dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) lần này có nhiều tiến bộ so với Luật Khoáng sản hiện hành. Dự thảo đã đưa vào nhiều khái niệm mới để phù hợp với tình hình hoàn cảnh mới của nước ta.
- Tuy nhiên, so với yêu cầu của một bộ luật về khoáng sản, Dự thảo vẫn chưa sửa những bất cập, mà những người làm khoa học mỏ kỳ vọng ở lần sửa đổi này của Luật Khoáng sản. Đó là:
+ Dự thảo vẫn chưa thật sự chú trọng vào công tác quản lý khai thác mỏ và chế biến (tuyển, luyện) khoáng sản là những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến toàn bộ mục tiêu của Luật Khoáng sản là: khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của nước ta. Đó mới chính là các hoạt động trung tâm của công tác quản lý khoáng sản chứ không phải là các thủ tục pháp lý về cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác hay chế biến khoáng sản. Chúng tôi đề nghị: Nếu có thể, nên thiết kế lại từ đầu Luật Khoáng sản theo hướng: Đặt trọng tâm công tác quản lý nhà nước vào việc quản lý công tác khai thác, chế biến khoáng sản sao cho thu hồi tối đa các khoáng sản có ích, giảm tối đa tổn thất trong quá trình khai thác và chế biến với những yêu cầu và chế tài cụ thể; Trường hợp không thể thiết kế lại kết cấu của Luật Khoáng sản, chúng tôi đề nghị nên bổ sung trong các chương Khai thác và chương Chế biến khoáng sản những nội dung về quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thể hiện được những yêu cầu vừa nêu trên. Trong đó có thể đưa ra các yêu cầu cụ thể về chống tổn thất khoáng sản trong quá trình khai thác và tuyển khoáng như:
“ Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải đảm bảo khai thác và thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản. Căn cứ trình độ công nghệ chung, Chính phủ quy định chi tiết mức tổn thất trong khai thác và tỷ lệ thu hồi đối với mỗi loại khoáng sản trong từng thời kỳ”.
2. Các vấn đề chung cần làm rõ và giải quyết trong Dự thảo
:
2.1. Vấn đề về khái niệm “chế biến khoáng sản” và “chế biến sâu khoáng sản”:
- Nếu theo Dự thảo thì phải hiểu một cách “nôm na” như sau:
+ Chế biến khoáng sản: là tuyển, luyện, chế biến khoáng sản đến các sản phẩm như: kim loại hay các các sản phẩm khác sẵn sàng để thu được khoáng sản (chưa phải hàng hóa ?) có chất lượng, giá trị thương mại cao hơn khoáng sản nguyên khai.
+ Chế biến sâu là: việc chế biến các sản phẩm được chế biến trên để sản xuất ra các hàng hóa có giá trị kinh tế-xã hội cao.
Ở đây ranh giới giữa “chế biến” và “chế biến sâu” phải chăng là: sản xuất ra hàng hóa có giá trị kinh tế-xã hội cao? Cách định nghĩa như vậy quả thật chưa rõ ràng và còn nhiều khái niệm phải làm rõ: Thế nào là hàng hóa có giá trị kinh tế-xã hội? thế còn “khoáng sản” có giá trị thương mại cao hơn khoáng sản nguyên khai là gì? Nó có phải là hàng hóa không? Nếu không thì giải thích thế nào khi đó là tinh quặng đồng, hay thậm chí là gang, v.v…?
- Theo chúng tôi, khái niệm chế biến “khoáng sản”, và “chế biến sâu khoáng sản”: Cần phải phân định rõ ranh giới, đến đâu là chế biến, còn từ đâu là chế biến sâu khoáng sản? Các khái niệm này cần được định nghĩa một cách rõ ràng, dễ hiểu để có thể áp dụng trong thực tiễn. Nếu định nghiã chung quá sẽ dẫn đến việc mỗi nơi, mỗi lúc hiểu một cách khác nhau, từ đó áp dụng khác nhau. Vì việc chế biến khoáng sản theo chuỗi sản phẩm có thể dài dường như đến vô tận..
Để cho việc áp dụng vào cuộc sống được dễ dàng chúng tôi đề xuất: Luật không nên định nghĩa theo kiểu “bác học” mà chỉ cần nêu khái niệm tương đối gần gũi với thực tế cuộc sống. Để dễ hiểu có thể hình dung theo sơ đồ sau:
Quá trình |
Khai thác |
Phân loại, tuyển lựa, làm giàu |
Luyện kim; xử lý hoá học; chế biến khác… |
Cơ khí chế tạo; sản xuất các sản phẩm cuối dùng trong đời sống… |
Tên gọi |
|
chế biến khoáng sản |
chế biến sâu |
Sản phẩm |
Quặng nguyên khai |
Quặng tinh,… |
Kim loại, các sản phẩm trung gian,v.v.. |
Các máy móc, chi tiết, đồ dùng sinh hoạt,v.v… |
Như vậy, khái niệm “chế biến khoáng sản” chỉ nên giới hạn ở mức các quá trình phân loại, tuyển lựa, làm giàu quặng nguyên khai sau khai thác thành sản phẩm tinh quặng đạt chất lượng nhất định phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ví dụ: quặng sắt được tuyển đến tinh quặng chứa 60% Fe; quặng đồng được tuyển đến 25% Cu; quặng bauxit được tuyển đến tinh quặng chứa 49% Al
2O3
, quặng titan được tuyển đến tinh quặng 52% TiO
2
, v.v..;
Khái niệm “chế biến sâu” là từ các sản phẩm trên được “chế biến” tiếp (chứ không phải “sản xuất”) thành các sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn hay sản xuất ra các sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Ví dụ: Từ tinh quặng sắt luyện thành gang, hoặc luyện tiếp thành thép, cán, kéo thép thành thép tấm, thép hình,v.v…, hoặc từ thép các loại sản xuất ra các chi tiết thiết bị, máy móc, v.v…; từ tinh quặng bauxite luyện thành alumin, hoặc chế biến tiếp là luyện thành nhôm kim loại, v.v…
Nếu hiểu như vậy thì yêu cầu như ở khỏan 4 Điều 6 của Dự thảo mới có ý nghĩa thực tiễn. Còn nếu đòi hỏi chế biến sâu tại chỗ mà sản phẩm chế biến sâu phải là “hàng hóa có giá trị kinh tế-xã hội cao” thì thật không tưởng.
- Ngoài ra cần làm rõ: trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu (quặng, tinh quặng) từ nước ngoài về chế biến trong nước thì có thuộc đối tượng áp dụng của Luật này hay không? Theo logic là không vì họ đâu có sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt
Nam
! Như vậy Dự thảo sẽ phải bổ sung: hoặc theo hướng quy định phạm vi đối tượng áp dụng của Luật chỉ là đối với tài nguyên khoáng sản được khai thác trên lãnh thổ Việt
Nam
; hoặc là phải có quy định riêng đối với việc chế biến khoáng sản nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài.
2.2 Vấn đề quan hệ giữa Luật Khoáng sản và các bộ luật khác (như Luật Đất đai, Luật Xây dựng..).
- Tuy trong Dự thảo đã đề cập đến ở Điều 51 và một số điều khác nhưng vẫn chưa thể hiện rõ ràng quan điểm: phải ưu tiên tiến hành làm công tác điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản trước khi tiến hành lập các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khác.
Hiện nay có tình trạng, mỗi quy hoạch tồn tại độc lập với nhau nên khi triển khai dễ bị chồng chéo, xung đột. Giả sử, ở một địa phương, quy hoạch một khu đô thị được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện mà không hề biết đến sự tồn tại của tài nguyên khoáng sản nằm dưới đất, hoặc giả ở thời điểm đó chưa có công trình địa chất nên chưa phát hiện ra tài nguyên, địa phương đang xây dựng công trình theo quy hoạch được duyệt thì mới biết có tài nguyên dưới đất. Vậy sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Theo chúng tôi, tài nguyên khoáng sản hầu hết không tái tạo, đó là tài sản quý của quốc gia nên phải tận dụng thu hồi tối đa trước khi tiến hành các công trình vĩnh cửu trên mặt đất; còn trong những trường hợp khác (không phải công trình vĩnh cửu), việc quyết định có khai thác ngay tài nguyên hay không phải căn cứ vào lợi ích của quốc gia để xử lý.
Vì vậy chúng tôi đề nghị Dự thảo bổ sung nội dung: Nhà nước và từng địa phương cần phải căn cứ vào Quy hoạch khoáng sản để tiến hành lập các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khác (hay nói cách khác, Quy hoạch khoáng sản phải “đi trước” các quy hoạch khác một bước).
- Việc khai thác thu hồi tài nguyên đối với các khu vực công trình đã có trước thì như thế nào? Có nên ưu tiên cho việc khai thác hết tài nguyên dưới đất bằng cách dùng biện pháp di dời công trình ra vị trí mới không có tài nguyên khoáng sản hay tạm di dời công trình sau đó trả về vị trí cũ hay cấm hoạt động khai thác để bảo vệ công trình đã xây dựng? Theo chúng tôi, vấn đề này cần linh hoạt, căn cứ vào điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, vẫn nên giữ quan điểm cần cố gắng thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản trong lòng đất ở những nơi có công trình. Khi đó cần xem xét lại điểm đ, điểm e, khoản 1 Điều 23 về khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
2.3 Vấn đề sở hữu tài nguyên, tài sản.
- Dự thảo đã khẳng định tính sở hữu tòan dân của tài nguyên khoáng sản thông qua quyền hạn của Nhà nước quy định ở Điều 5. Tuy nhiên Dự thảo cũng chưa làm rõ tính sở hữu tài sản hợp pháp của chủ doanh nghiệp khi bị Nhà nước đột xuất thu hồi quyền thăm dò, khai thác khoáng sản vì yêu cầu an ninh, quốc phòng.
Khi Nhà nước đột xuất thu hồi quyền thăm dò, khai thác của doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp thì vấn đề xử lý thiệt hại về tài sản của họ ra sao? Nếu không đền bù thì rõ ràng là không thỏa đáng bởi tại khoản 6 Điều 6 quy định “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản…”. Do vậy, cần bổ sung quyền “được bồi thường lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản khi bị Nhà nước thu hồi giấy phép vì lý do an ninh-quốc phòng” .
2.4 Vấn đề cấp phép thăm dò hay cấp phép khai thác:
- Đối với những người làm mỏ thực sự, mục đích của việc xin cấp “mỏ” là để khai thác tài nguyên khoáng sản và kinh doanh sinh lời. Việc thăm dò khoáng sản thực chất chỉ là một giai đoạn chuẩn bị cho mục đích đó. Nếu ai đi thăm dò rồi kinh doanh bán mỏ thì không phải là những người thực sự làm mỏ và Nhà nước cần phải ngăn chặn hành động này. Như vậy, việc Dự thảo dường như quá tách bạch từng giai đoạn thăm dò và khai thác vô hình chung đã khuyến khích hoạt động kinh doanh mỏ kiếm lời. Mặt khác, nó cũng dễ tạo kẽ hở pháp lý để các công chức nhà nước gây phiền nhiễu cho tổ chức, cá nhân khi xin cấp phép khai thác sau khi đã hoàn thành công tác thăm dò.
Do đó cần khẳng định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép tiến hành khai thác mỏ sau khi đã tiến hành thăm dò trừ trường hợp vì lý do khác. Như vậy, sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành công tác thăm dò thì “đương nhiên” được “quyền” khai thác mỏ. Việc có khai thác hay không chỉ dựa vào kết quả dự án đầu tư của “chủ mỏ” và do “chủ mỏ” quyết định. Nhà nước chỉ nên quản lý bởi các thông số kỹ thuật công nghệ của dự án nhằm khai thác và thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản, các giải pháp bảo vệ môi trường…Khi đó, việc cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác chỉ còn là biện pháp quản lý của Nhà nước chứ không phải là những “điều kiện” để tổ chức, cá nhân khai thác mỏ phải vượt qua khi muốn tiến hành khai thác.
Chúng tôi đề nghị: bổ sung nội dung “quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép tiến hành khai thác mỏ sau khi hoàn thành công tác thăm dò.
2.5 Vấn đề quyền tự chủ về tài chính của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản:
- Trước đây, mọi hoạt động điều tra cơ bản địa chất và thăm dò đều do Nhà nước thực hiện và bởi ngân sách nhà nước. Do vậy, việc quản lý chi phí thăm dò cần phải theo đúng định mức của Nhà nước quy định. Nay, chi phí thăm dò do tổ chức, cá nhân chịu nên việc quản lý theo định mức nhà nước là chưa hợp lý. Bởi định mức của Nhà nước thường có xu hướng cao hơn thực tế. Nếu có thể thực hiện công tác thăm dò với cho phí thấp hơn thì sao lại cứ phải theo định mức Nhà nước? Nên chăng, Nhà nước chỉ quản lý về khối lượng, chất lượng công tác cần thực hiện khi thăm dò, còn chi phí thì chỉ nên lấy định mức Nhà nước để tham khảo chứ không phải căn cứ để khống chế.
II. Những góp ý cụ thể vào Dự thảo:
1. Khoản 9, khỏan 10 Điều 4: về khái niệm “chế biến khoáng sản và “chế biến sâu khoáng sản” đề nghị nên sửa theo hướng đã nêu ở trên.
2. Khỏan 3 Điều 7: Không nên quy định mang tính “can thiệp” vào tính tự chủ, tự quyết định về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ nên khống chế theo yêu cầu quản lý tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.
Do vậy, đề nghị sửa như sau: “…Có quy mô và sử dụng công nghệ khai thác, chế biến
thích hợp để thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm;…” (bỏ cụm từ “ phù hợp với đặc điểm tài nguyên của mỏ khoáng sản”).
3. Khoản 2 Điều 10: nên tách thẩm quyền cấp giấy phép chế biến khoáng sản về Bộ Công Thương cho phù hợp với chức năng quản lý nhà nước. Chỉ những dự án bao gồm cả khai thác và chế biến sẽ do 02 Bộ thống nhất để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
4. Khoản 3 Điều 11: Cần làm rõ trước khi quy định khái niệm thế nào là mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị khoa học đặc biệt hoặc quý hiếm thì mới có thể cấm. Nếu trong Dự thảo chưa đưa được thì nên đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành.
5. Khoản 5 Điều 13: Như đã phân tích ở trên, cần bổ sung nội dung: “phải căn cứ Quy hoạch khoáng sản để lập các quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội khác”. Khi đó nội dung của khoản 5 Điều 13 mới có tác dụng.
6. Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 23: Khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Theo như Dự thảo thì về lý thuyết sẽ không còn khu vực nào không bị cấm hoạt động khoáng sản. Như đã phân tích ở trên, cần ưu tiên xem xét để khai thác hết tài nguyên khoáng sản trước khi xây dựng công trình. Đối với các công trình đã xây dựng rồi thì cần cân nhắc lợi ích giữa khai thác và công trình để quyết định, không nên cứ có công trình rồi là cấm hoạt động khoáng sản.
7. Khoản 4 Điều 35: Cần có ngoại lệ đối với những trường hợp khoáng sản quan trọng do Nhà nước cần đầu tư, khai thác. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào khoản này như sau: “ Trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
8. Khoản 3 Điều 37: Không nên quy định như Dự thảo dễ gây khó khăn cho đối tượng thi hành Luật, Thế nào là “phù hợp với đơn giá được cấp thẩm quyền phê duyệt” ? Như phân tích ở trên, Nhà nước không nên “quản” về dự toán của đề án thăm dò mà chỉ nên tham khảo để xem xét đánh giá khi xét duyệt đề án. Vì lý do trên, kiến nghị bỏ khoản này.
9. Khoản 1 Điều 38: Đề nghị bổ sung điểm về quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản như sau:
“ Được bồi thường tài sản hợp pháp khi Nhà nước thu hồi đột xuất diện tích thăm dò vì lý do an ninh, quốc phòng”.
10. Điểm b khoản 2 Điều 38: Việc đặt cọc tiền thăm dò không có ý nghĩa đối với quản lý mà lại gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân thăm dò, dễ phát sinh tiêu cực khi phải căn cứ vào dự toán chi phí thăm dò để xác định số tiền đặt cọc. Theo chúng tôi, nên bỏ khoản đặt cọc này. Nếu không bỏ thì chỉ nên quy định mức cụ thể như 10, 20,v.v.. triệu đồng chứ không nên quy định tỷ lệ như đã phân tích ở trên.
11. Điều 40. Đề nghị bổ sung tên của điều này là: “Tước quyền thăm dò,
thu hồi
và chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò” để phù hợp với điểm c khoản 1 khi Nhà nước công bố khu vực thăm dò là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
12. Khoản 1 Điều 44: Đề nghị bổ sung quyền của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản như sau: “Được bồi thường những tài sản hợp pháp khi Nhà nước thu hồi diện tích khai thác vì lý do an ninh, quốc phòng”.
13. Điều 45. Đề nghị bổ sung tên của điều này như sau: “ Tước quyền khai thác,
thu hồi, chấm dứt hiệu lực của giấy phép khai thác khoáng sản”.
14. Ngoài ra, như đã phân tích ở phần I, trong chương Khai thác khoáng sản nên thiết kế điều về quản lý tổn thất tài nguyên trong khai thác.
15. Cũng tương tự như trên, trong chương Chế biến khoáng sản nên thiết kế có điều về quản lý mức thu hồi khoáng sản khi chế biến (tuyển, luyện khoáng sản…).
Trên đây là một số ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo yêu cầu của Hội Tuyển khoáng Việt
Nam./.