Tiếp theo các Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2015” và Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 30 tháng 3 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 459/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” với những nội dung cụ thể như sau:
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí
Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt
Nam với một số quan điểm phát triển cơ bản như sau:
Phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp khí thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp khí.
Phát triển ngành công nghiệp khí trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước, tăng cường nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn năng lượng phát triển đất nước bền vững.
Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế, giảm thiểu tỷ trọng LPG nhập khẩu.
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trên nguyên tắc sử dụng tối đa công suất hệ thống hạ tầng hiện hữu (đường ống, trạm thu gom, xử lý…).
Phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới.
Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước và thực hiện chính sách phát triển bền vững.
Ngoài ra, Quyết định số 459/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch với những mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khí cụ thể về: Tìm kiếm thăm dò, khai thác khí trong nước, Về nhập khẩu khí, Về phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí trong nước, Về phát triển công nghiệp LPG, Về phát triển thị trường tiêu thụ khí.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển nói trên, Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp cụ thể: Về chính sách giá khí; Giải pháp và chính sách về mô hình thị trường khí; Giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư; Giải pháp, chính sách phát triển tự lực; Giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ; Các giải pháp phát triển nhân lực; Giải pháp về an toàn và bảo vệ môi trường; Giải pháp về an ninh quốc phòng.
Vai trò của Bộ Công Thương trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ những nhiệm vụ giao cho Bộ Công Thương như sau:
Chỉ đạo và giám sát việc triển khai, thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 định hướng đến năm 2025, trước mắt, cần tập trung triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng cường và đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác tại các khu vực có nhiều tiềm năng dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng xác minh, đảm bảo đạt chỉ tiêu sản lượng khai thác khí trong giai đoạn quy hoạch.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai dự án nhập khẩu LVG xây dựng các cảng, kho chứa LNG và tái hóa khí nhằm nâng cao khả năng cung cấp khí cho nhu cầu thị trường trong nước giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025.
Chủ trì, phối với các các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành chính sách giá khí hợp lý nhằm đưa ra được hệ thống định giá khí linh hoạt, phương án trộn giá khí để đảm bảo khuyến khích tài chính cho đầu tư khai thác các mỏ khí đặc biệt là các mỏ nhỏ, nước sâu, xa bờ… đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh của nguyên, nhiên liệu khí với các nguyên, nhiên liệu thay thế khác, xây dựng lộ trình cải cách thị trường khí giai đoạn trước năm 2020.
Tiếp tục xem xét bổ sung và điều chỉnh nội dung Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và các biến động của công nghiệp khí thế giới; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp khí có điều kiện phát triển, nâng cao và hoàn thiện năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới.
Chủ trì, thẩm định và phê duyệt bổ sung Quy hoạch đối với các dự án kho LPG thương mại có công suất kho dưới 5.000 tấn.
Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, trình duyệt theo quy hoạch hiện hành trong năm 2011.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2011.
Nguồn: MOIT |