Nhà máy Luyện đồng Lào Cai là khâu chế biến sâu nằm trong Tổ hợp đồng Sin Quyền – Lào Cai. Nhà máy đã đi vào hoạt động tõ vµi n¨m nay. Có hai loại chất thải rắn chính trong quá trình sản xuất được thải ra, đó là xỉ thải (khoảng 9.700 m3/năm) và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải (khoảng 6.090 m3/năm). Hiện tại, xỉ thải đang được Nhà máy thu gom trong kho chứa và quản lý theo dạng chất thải thông thường, còn bùn thải đã được Nhà máy quản lý theo quy định về chất thải nguy hại. Theo Sổ đăng kí chủ nguồn thải chất thải nguy hại với mã số QLCTNH 10.000006.T tại Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lào Cai ngày 01 tháng 05 năm 2009 bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải chỉ được xác định một cách định tính là chất thải nguy hại có ký hiệu một * (có ít nhất một tính chất nguy hại hoặc một thành phần nguy hại vượt ngưỡng CTNH, theo danh mục chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định) mà chưa xác định ngưỡng cụ thể về chất thải nguy hại, chưa có giải pháp tối ưu để xử lí.
Thực trạng cho thấy, việc lưu giữ lượng bùn thải trong kho đã đến lúc không còn đáp ứng được và sẽ không thể áp dụng giải pháp này trong suốt đời của Nhà máy. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Công ty Luyện đồng Lào Cai đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin tiến hành nghiên cứu, lựa chọn giải pháp xử lý bùn thải của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai.
Để phân tích đánh giá tính chất cơ lý và thành phần hóa học của bùn thải, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã tiến hành lấy mẫu và bảo quản mẫu bùn thải tại 3 vị trí ngẫu nhiên trong khu vực lưu giữ bùn thải của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại).
Theo kết quả phân tích, bùn thải sau xử lý nước thải có màu xanh nhạt, cỡ hạt siêu mịn (<0,0005mm) ở trạng thái chảy dẻo. Tính chất cơ lý đặc trưng của bùn thải như sau: Khối lượng thể tích: V = 1,47 T/m3; Lực dính kết: C = 0,10 T/m2; Góc ma sát trong: j = 12,190. Tính chất hóa học của bùn thải được xác định tại Phòng phân tích độc chất môi trường (VILAS 386) – Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Kết quả phân tích, so sánh với QCVN 07:2009/BTNMT cho thấy, bùn thải của Nhà máy chỉ có một thành phần Cd vượt quá QCCP 3,84 lần; tính kiềm của bùn thải không tương ứng với các mức giá trị quy định tại cột ngưỡng chất thải nguy hại của QC 07:2009/BTNMT. Như vậy, bùn thải Nhà máy Luyện đồng Lào Cai là dạng * và có một thành phần nguy hại (Cd – Cadimi) vượt ngưỡng chất thải nguy hại, do đó bùn thải này là chất thải nguy hại cần được quản lý theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Qua xem xét các công nghệ xử lý CTNH đang áp dụng tại Việt Nam, để xử lí bùn thải Nhà máy Luyện đồng Lào Cai có thể đi theo một trong hau hướng công nghệ phù hợp. Đó là chôn lấp hoặc công nghệ hóa rắn (bê tông hóa).
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Viancomin đã tiến hành lấy mẫu và sơ bộ thử nghiệm xử lý bùn thải bằng phương án hóa rắn với phụ gia xi măng (chưa bổ sung cốt liệu cát sỏi), mẫu sau đóng rắn được thử nghiệm đo cường độ đóng rắn và phân tích chỉ tiêu Cd. Kết quả thử nghiệm sơ bộ cho thấy, việc hóa rắn bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai bằng xi măng là có thể thực hiện được, hàm lượng Cd (chỉ tiêu duy nhất vượt ngưỡng CTNH) trong mẫu bùn đã thấp hơn nhiều so với QCVN 07:2009/BTNMT và đáp ứng là chất thải thông thường. Tuy nhiên, cường độ kháng nén 27,14 <100 nên chưa thể sử dụng nguồn chất thải này làm vật liệu xây dựng mà chỉ được đổ thải vào các bãi thải sinh hoạt hoặc xây dựng.
Như vậy, với công nghệ đóng rắn hoàn toàn có thể xử lý được bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai. Nhưng xét về lâu dài, lượng bùn thải của Nhà máy lớn và trong bùn thải có còn chứa nhiều hàm lượng kim loại quý, hiện tại chưa có giải pháp công nghệ tách, nếu áp dụng giải pháp chôn lấp mặc dù phải quản lý chặt chẽ nhưng sẽ có cơ hội để có thể tái sử dụng loại chất thải này trong tương lai. Vì vậy, Công ty ưu tiên lựa chọn sử dụng công nghệ chôn lấp.
Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã tiến hành thiết kế bãi chôn lấp bùn thải, tuân thủ theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 320:2004 về Bãi chôn lấp chất thải nguy hại – Tiêu chuẩn thiết kế, áp dụng vận hành bãi chôn lấp CTNH thực hiện trên cơ sở Hướng dẫn kỹ thuật chôn lấp chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định số 60/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 07 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo quy hoạch khu vực bãi chôn lấp được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận. Giải pháp chôn lấp đúng quy định hiện hành về chất thải rắn nguy hại đã được lựa chọn áp dụng đã giúp Công ty Luyện đồng Lào Cai giảm bớt sức ép khi kho chứa đã đến lúc không đáp ứng đủ, đồng thời có xét đến lợi ích sau này khi có đủ trình độ công nghệ để tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường của khu vực dự án./.
Nguồn: Thông tin khoa học công nghệ mỏ |