Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường Than - Khoáng sản Việt Nam (VITE) đã được Vinacomin giao đảm nhận đầu tư, xây dựng, vận hành Trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu. Đây là một thử nghiệm mở ra một hướng phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển ổn định và lâu dài cho Công ty.
Cọc Sáu là mỏ khai thác than lộ thiên lớn thuộc Tập đoàn Vinacomin, nằm trên địa bàn thị xã Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh, có sản lượng khai thác khoảng 3 triệu tấn/năm. Hàng năm, lượng nước moong bơm thoát khỏi mỏ rất lớn, lưu lượng thay đổi theo mùa. Lưu lượng mùa mưa khoảng 35.000m3/ngày đêm, mùa khô khoảng 6.000m3/ngày đêm. Theo kết quả quan trắc những năm vừa qua, nước thải mỏ than Cọc Sáu nhìn chung không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là vào mùa khô độ pH = 2,57,7, hàm lượng cặn lơ lửng từ 35522 mg/l, hàm lượng sắt từ 1,91 42,1 mg/l, hàm lượng Mangan từ 0,114,78 mg/l.
Do đó, tháng 4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ban hành danh mục các cơ sở yêu cầu phải giải quyết triệt để về mặt môi trường, trong đó có nước thải mỏ than Cọc Sáu. Việc xây dựng Trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu nhằm xử lý lượng nước bơm thoát từ mỏ đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, là hết sức cần thiết thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ góp phần cải thiện và phục hồi môi trường, cảnh quan trong khu vực. Trạm xử lý nước thải mỏ Cọc Sáu là mô hình thí điểm để áp dụng cho các mỏ khác có điều kiện tương tự nhằm bảo vệ môi trường tại các vùng khai thác than ở Quảng Ninh.
Xuất phát từ thực tế trên, Vinacomin đã giao cho Công ty VITE thay mặt Tập đoàn làm chủ đầu tư, xây dựng, vận hành Trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu. Theo anh Nguyễn Thành Nam - Phó ban quản lý dự án ở Cọc Sáu, hiện nay việc xử lý nước thải mỏ than trong nước mới chỉ có 02 hệ thống mang tính thử nghiệm, quy mô nhỏ. Một ở Na Dương 600m3/h và một ở Hà Lầm 300m3/h. Tuy nhiên công nghệ của 2 Trạm xử lý nước thải trên khá thô sơ, xử lý chưa triệt để, việc kiểm soát chất lượng nước thải còn thủ công, chưa có tính công nghiệp, nước sau khi xử lý thải ra môi trường không tái sử dụng. Trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu chính là công trình thử nghiệm cho việc xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp với tái sử dụng chất thải nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong ngành mỏ cũng như phát triển ngành kinh tế môi trường.
Trạm xử lý nước thải có công suất 2.400 m3/h để xử lý nước bơm từ moong lên. Nước sau khi xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn loại B (TCVN 5945 - 2005). Lượng nước cấp sử dụng lại cho nhà máy nhiệt điện và nhà máy tuyển than là 570 m3/h, lượng nước còn lại được thải ra môi trường. Địa điểm xây dựng được lực chọn là tại hạ lưu lò thoát nước +28, thuộc mặt bằng kho than “19-5” của Công ty CP than Cọc Sáu, nằm trên địa bàn khu dân cư phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, giới hạn trong phạm vi toạ độ (hệ toạ độ Nhà nước 1972).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, chính thức khởi công từ năm 2009. Trong quá trình triển khai, ban đầu gặp nhiều khó khăn như những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến thay đổi địa điểm xây dựng, lập lại dự án đầu tư và xin phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn. Thêm vào đó, các thủ tục nhập khẩu thiết bị cũng có những khó khăn nhất định khiến cho công tác lắp đặt thiết bị một số hạng mục bị chậm tiến độ.
Tuy vậy, nhận thức sâu sắc Trạm xử lý nước thải Cọc Sáu là dự án trọng điểm trong chương trình bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, CNCB Công ty VITE đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công ty đã tăng cường bổ sung, quản lý nhân lực, cán bộ giám sát hiện trường để trực tiếp đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công. Đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục như bể điều lượng, bể trung hòa và lắng sơ bộ, bể keo tụ và lắng tấm nghiêng, bể Manggan, bể bùn, bể nước sạch, nhà điều hành, tường kè, hàng rào bảo vệ; đang triển khai thi công tiếp các hạng mục còn lại như: nhà pha keo tụ và lọc ép bùn, đường nội bộ, hệ thống điện và chiếu sáng, đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp lắp đặt thiết bị.
Ông Nguyễn Tam Tính - Giám đốc Công ty VITE cho biết, công trình dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 11/2011, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống vùng mỏ 12/11 và là món quà ý nghĩa chào mừng 15 năm thành lập Công ty. Đồng thời, dự án này cũng góp phần ghi dấu ấn rõ nét của Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường Than - Khoáng sản Việt Nam
Nguồn: Vinacomin |