Theo kế hoạch SXKD giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm Vinacomin sẽ tăng thêm 2 triệu tấn than sạch; đến năm 2015 đạt sản lượng khai thác từ 55-60 triệu tấn, than xuất khẩu giảm còn khoảng 3 triệu tấn, nhưng doanh thu gấp đôi năm 2010.
Để hoàn thành mục tiêu này, hiện ngành Than - Khoáng sản đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục kiến nghị với Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt cấp phép thăm dò, nâng cấp trữ lượng và cấp giấy phép khai thác cho các dự án đang mở rộng sản xuất, đầu tư mới. Ngành tập trung xây dựng các mỏ hầm lò mới xuống sâu, cải tạo các mỏ lộ thiên Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Tây Nam Đá Mài; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, không ngừng nâng cao năng suất lao động, mức độ đảm bảo an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật, cán bộ làm công tác quản lý, đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới về công nghệ sản xuất; quan tâm chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho người lao động.
Cùng với đẩy mạnh mở rộng SXKD theo hướng đa ngành, hiện Vinacomin cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, từ quy hoạch đổ thải, chế biến, tiêu thụ than đến quy hoạch cụm cảng, gắn với bảo vệ môi trường. Hiện các đơn vị khai thác than lộ thiên của Vinacomin đang thực hiện khai thác và đổ thải theo “Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Bộ Công thương thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Vinacomin sẽ triển khai việc công bố quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết của các vùng theo đúng quy định hiện hành; trình duyệt các dự án đầu tư, trong đó có thoả thuận với các địa phương về từng dự án cụ thể. Cụ thể, tại vùng Hòn Gai: Khối lượng đất đá chủ yếu được đổ tại bãi thải trong để hoàn thổ phục hồi môi trường và đảm bảo an toàn cho khai thác hầm lò phía dưới theo chương trình tự kết thúc khai thác hợp lý đã được phê duyệt. Bãi thải ngoài được quy hoạch đổ thải chung cho các mỏ Núi Béo, Hà Tu, Xí nghiệp 917 (Công ty Than Hòn Gai), Hà Lầm (phần lộ vỉa) tới mức +256 (Dự kiến bãi thải này sẽ kết thúc đổ thải vào giai đoạn 2014-2015). Vinacomin đã giao cho Công ty Môi trường mỏ lập dự án phục hồi môi trường tổng thể bãi thải. Vùng Cẩm Phả: Với những khai trường lộ thiên thuộc các mỏ hầm lò chủ yếu là bãi thải trong, kết hợp khai thác, đổ thải với hoàn thổ phục hồi môi trường theo các dự án thiết kế đã lập. Đối với các mỏ lộ thiên lớn (Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn...) thực hiện theo các dự án thiết kế được cấp phép trong quy hoạch phát triển ngành Than đang trình Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Vinacomin đã chỉ đạo lập quy hoạch vùng và lập Đề án giải pháp khai thác hợp lý các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả để tổ chức điều hành theo hướng hạn chế đổ thải ngoài, huy động tối đa sử dụng bãi thải tạm và bãi thải trong, hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Từ năm 2011 đã dừng đổ thải về phía Nam, tập trung hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh bãi thải Nam Đèo Nai; đang triển khai dự án phục hồi môi trường khu vực Đèo Nai - Lộ Trí - Khe Sim.
Đến nay, đã có 4/5 cụm cảng được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết do các Công ty Kho vận của Vinacomin trình. Cụ thể: Cảng Bến Cân đang đầu tư xây dựng, dự kiến 2012 xong; cảng Điền Công, đang lập dự án đầu tư mở rộng hiện đại hoá, giải phóng mặt bằng, dự kiến quý II-2012 khởi công xây dựng, năm 2014 thi công xong giai đoạn 1; cảng Km6, đang lập dự án đầu tư; cụm cảng Làng Khánh đang lập dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, dự kiến quý III-2012 khởi công, năm 2014 thi công xong giai đoạn 1. Công tác lập trình duyệt quy hoạch chi tiết các cảng xuất than nội địa, hiện chỉ còn cụm cảng hoá chất Mông Dương - Khe Dây đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả đang tổ chức hoàn chỉnh quy hoạch vì phải điều chỉnh ranh giới, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý I-2012.
Vấn đề xử lý nước thải mỏ cũng được Vinacomin đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch, hết năm 2011, ngành Than sẽ xây dựng xong 27 trạm xử lý nước thải các mỏ than hầm lò, 1 trạm xử lý nước thải cho cụm mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu; năm 2012 xây dựng tiếp 8 trạm xử lý nước thải mỏ hầm lò; phấn đấu đến năm 2013 nước thải các mỏ than hầm lò cơ bản được xử lý xong. Giai đoạn 2012-2013 sẽ xây dựng 5 trạm xử lý nước thải các mỏ lộ thiên, từ năm 2014 nước thải các mỏ lộ thiên cơ bản được xử lý, cũng trong năm này xây dựng các trạm xử lý nước thải cho các điểm khai thác nhỏ lẻ còn lại. Với các mỏ than mới, sẽ xây dựng trạm xử lý nước thải đồng thời trong quá trình xây dựng mỏ.
Nguồn: Vinacomin |