Đây là giải pháp được áp dụng tại Công ty CP than Cọc Sáu do 3 kỹ sư trẻ
là Thái Đình Hiếu, Diệp An Đức, Nguyễn Tiến Hiệp nghiên cứu áp dụng.
Một trong
những hạn chế của công tác cải tạo môi trường trong đổ thải khai thác lộ thiên
là việc củng cố ổn định bề mặt sườn tầng thải, trồng cây tại bề mặt sườn tầng
thải chưa đạt hiệu quả do chiều cao tầng thải lớn. Trong khi đó, bề mặt sườn
tầng thải không ổn định do độ dốc lớn, kết cấu đất đá, độ liên kết đất đá lại
không ổn định. Khi có mưa lớn đất đá sườn tầng thường bị xói mòn, xẻ thành
rãnh, làm trôi lấp cây đã trồng và khi trồng cây trên sườn bãi thải đã bị xói
mòn thì tỷ lệ cây sống không đảm bảo, không đạt yêu cầu phủ xanh sườn bãi thải.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đơn vị và nhằm khắc phục những hạn chế trên,
giải pháp “Gia cố sườn bãi thải bằng vật liệu dễ phân huỷ, nâng cao hiệu quả
trong công tác trồng cây cải tạo phục hồi môi trường” được các kỹ sư nghiên cứu
áp dụng đã cho hiệu quả thiết thực.
Cùng với giải pháp trên, để đảm bảo ổn định, tạo cảnh
quan khu vực và an toàn cho khu vực dân cư phía dưới, Công ty CP than Cọc Sáu
đã thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: đắp tuyến đê ngăn ngoài mép tầng thải
nhằm ngăn đất đá và ngăn dòng nước mặt chảy từ các tầng trên xuống tầng dưới;
thi công hệ thống thoát nước mặt tầng nhằm hứng toàn bộ nước chảy bề mặt tầng
và dòng nước từ sườn tầng phía trên, hướng dòng nước chảy về hệ thống thoát
nước chung; tiến hành trồng cây nhằm cải tạo và phục hồi môi trường bãi thải...
Theo đánh giá của Tập đoàn, việc thi công cải tạo các tầng thải theo các giải
pháp kỹ thuật nói trên đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác cải tạo bãi
thải, hạn chế các nguy cơ sự cố môi trường từ các bãi thải.
Nguồn: Vinacomin |